Khác với đv hữu nhũ, sữa diều được tạo ra bởi cả trống lẫn mái. Quen thuộc nhất là ở chim bồ câu, món này được gọi là sữa diều vì được hình thành nhờ bong tróc lớp niêm mạc là các tế bào mọng nước ở túi diều, rồi ợ lên để mớm cho con. Diều là túi mỏng chứa thức ăn ở gần cuối thực quản (trước cứ nghĩ qua miệng là đến ngay diều), nhờ có diều mà chim có thể ăn nhanh tới tấp, trữ tạm rồi về, đỡ chạm trán kẻ săn mồi. Sữa diều ở bồ câu rất giàu dinh dưỡng, nhiều protein và chất béo hơn sữa người hay bò, đây là thức ăn duy nhất cho chim non trong vài ngày đầu mới nở, sau đó bố mẹ vẫn thay phiên nhau mớm sữa đến hai tuần.
Trong clip thì chim trống phải tì mạnh mỏ lên đầu chim mái mới ợ được sữa ra, dùng đầu chim mái như máng hứng để mớm cho con. Sữa hồng hạc giàu chất béo hơn nhưng lại ít protein hơn sữa bồ câu, và được tạo ra không chỉ ở diều mà toàn bộ niêm mạc nửa trên thực quản bị bong tróc, một lượng lớn hồng cầu lẫn bạch cầu lọt qua, khiến sữa đỏ như máu vậy. Chim non chỉ uống mỗi sữa này suốt 2 tháng đầu trước khi phát triển đủ hai tấm màng lông trong khoang miệng cho cách kiếm ăn đặc biệt của loài chim này: lọc nước để giữ lại tảo và giáp xác nhỏ.
Một loài đặc biệt nữa cũng nuôi con bằng sữa diều là chim Cánh cụt Hoàng đế. Cánh cụt trống đứng chụm hai chân, cúi đầu, cố ấp giữ quả trứng duy nhất dưới lông, trên các ngón chân, suốt hai tháng mùa đông giữa Nam cực băng giá (gặp gió to lập bập rơi trứng xuống thì khóc ròng luôn), trong khi chờ vợ đi kiếm ăn rất xa ngoài biển. Trứng nở ra nhưng mẹ chưa về thì ông bố đói rũ này sẽ nuôi con bằng chút "sữa-máu" tương tự hai loài trên, trong khi đợi thức ăn ựa ra từ bụng mẹ. Sau đó bố mẹ sẽ thay phiên ra biển kiếm ăn hay ở cùng con. Chim cánh cụt mẹ nếu không về được (bị hải cẩu ăn mất chẳng hạn), thì chim bố đành phải bỏ lại chim con mà ra biển, vì không cách gì để hai bố con cùng sống sót.